Nấm rừng thông, ăn ngon đến quên cả no
Sau một vài cơn mưa đầu mùa, từ mặt đất ẩm thấp dưới lớp lá thông nẩy lên các loại nấm vô cùng đẹp mắt. Người Đà Lạt dùng các loại nấm này để làm các món nướng, xào sả ớt hay nấu cháo...
Món nấm xúc bánh tráng
Đây là những món ngon mà người Đà Lạt không thể bỏ qua mỗi khi tiết trời chớm vào hè. "Ngon hơn hải sản. Anh ăn thử đi thì biết". Chị Trương Thị Hợp (người dân thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) nói ngắn gọn trong khi mời chúng tôi.
Quả thật, nếu chưa ăn qua thì không thể hình dung có loại nấm thịt chắc, dai và thơm ngon như thế. Món nấm xúc bánh tráng này làm cho thực khách có thể hoàn toàn quên đi món hến xúc bánh tráng thông thường. Nấm rừng thông xào sả ớt, xào nghệ hay nấu cháo cũng ăn ngon đến mức quên cả no.
Theo chân chị Hợp, chúng tôi cùng leo lên khu rừng thông phía sau Trường tiểu học phân hiệu Xuân Sơn. Ngay bên vệ đường, đã có thể phát hiện một vài đám nấm nhú lên dưới lớp lá thông màu nâu xám.
Chị Khánh Mai, du khách Sài Gòn trải nghiệm đi hái nấm
Khác với cái ấm nóng ở nội ô Đà Lạt, ở đây mặt trời đã lên cao nhưng gió thốc từng cơn ngang qua rừng thông vi vu lạnh buốt. Đồi thông nghiêng, lá thông trơn, nên người hái nấm phải đi ủng gai sâu để tránh trượt chân.
Thỉnh thoảng lại nghe tiếng ai đó reo lên mừng rỡ khi gặp một đám nấm đẹp.
Nổi bật và dễ tìm thấy nhất là nấm Kaki tím. Loại này mọc thành cụm từ 3 đến 5 cái, có cái to, cái nhỏ. Đặc điểm của nó là có màu tím ửng hồng, thân nấm mập, chắc.
Nấm kaki vàng
Một loại khác cũng khá dễ tìm là nấm gan bò. Chúng mọc đơn lẻ từng cây nhưng có thân hình lực lưỡng. Một cây nấm gan bò phát triển có thể to bằng nắm tay. Nấm có màu vàng nhạt, trên chóp nổi gân sần sùi.
Loại hiếm gặp nhất là nấm hột gà. Cả buổi đi hái, trong số hơn 5kg nấm thu hoạch được, chúng tôi chỉ tìm thấy duy nhất một cây nấm hột gà. Nấm trông như cái trứng non, màu vàng tươi. Chân nấm được bao bọc bởi một lớp màng trắng như vỏ trứng.
Nấm hột gà
Hái nấm rừng thông Đà Lạt không nhất thiết phải vô rừng sâu. Những đồi thông cạnh kề khu dân cư cũng có thể tìm thấy khá nhiều.
Đồi thông nằm cạnh khu Sơn Tịnh Farmstay ở thôn Đa Thọ (xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt) thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện những người phụ nữ xách làn nhựa tìm nấm. Dân không chuyên như khách du lịch xách bịch đi theo vài chục phút cũng có thể hái được vài ba ký.
"Hái nấm rừng tốt nhất là đi cùng với người bản địa để học cách phân biệt nấm ăn được và nấm không ăn được. Chịu khó để ý thì chỉ cần một hai buổi là nhận diện được mấy loại nấm cơ bản rồi. Đa phần nấm ăn được đều có màu sắc đẹp và dễ nhận biết hình dáng bên ngoài", Nguyễn Văn Thịnh – ông chủ Sơn Tịnh Farmstay cho biết.
Trẻ con theo cha mẹ đi hái nấm
Có 2 cách để trữ nấm ăn lâu dài. Thứ nhất là làm sạch, ngâm qua nước muối rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Thứ hai là chẻ nhỏ đem phơi khô.
Theo người dân địa phương, mỗi một buổi đi hái, một người có thể kiếm được từ 2 đến 10kg nấm. Nếu bán, 1kg nấm tươi có giá từ 100 ngàn đồng trở lên. Khi phơi khô, có thể bán từ 800 đến 1 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, do số lượng không nhiều, thời gian khai thác ngắn, vả lại nấm rất ngon, nên người dân hái về để ăn là chủ yếu chứ ít ai mang bán.
Theo Đoàn Quý Lâm (Tạp chí Nông thôn Việt)