Bí ẩn loài nấm đắt như vàng ròng trên đỉnh Hoàng Liên Sơn - Tây Bắc
Loài nấm này, ông Trần Ngọc Lâm biết từ những ngày ở Tây Tạng, chữa căn bệnh ung thư phổi quái ác.
Những bệnh nhân nằm trong hang trị bệnh, nếu nguy kịch, các thiền sư sẽ lấy một củ nấm mà thường ngày cất giữ rất kỹ lưỡng cho họ ăn. Ông Lâm đã chứng kiến tận mắt cảnh cứu người nguy kịch bằng loại nấm huyền thoại này.
Vị thiền sư sẽ dùng con dao rất sắc, thái một lát mỏng như tờ giấy rồi đưa vào miệng bệnh nhân đang nguy kịch. Người bệnh ngậm miếng nấm một lát rồi mới nuốt. Có miếng nấm này, họ sẽ tỉnh táo, giữ được mạng sống, sau đó các thiền sư tìm phương án trị bệnh tiếp theo bằng các loại thảo dược khác.
Ông Lâm từng có thời gian mấy tháng trời trị bệnh trong hang đá ở Tây Tạng, đã được thấy loài nấm này, được nghe kể nhiều huyền thoại về nó, song vẫn chưa bao giờ có vinh dự được nếm thử.
Cách sử dụng nấm của các thiền sư Tây Tạng cũng giống như nhân sâm. Khi một người gặp nguy kịch, sắp chết, nếu ngậm miếng sâm sẽ tỉnh táo, kéo dài thêm thời gian hấp hối.
Loài nấm này có tác dụng mạnh gấp nhiều lần nhân sâm. Tuy nhiên, giá trị của quả nấm đặc biệt này, theo ông Lâm, không phải kéo dài phút hấp hối cho người sắp chết như nhân sâm. Nó là thứ bổ dưỡng không gì sánh nổi, có tác dụng phục thần, làm cường tráng cơ thể, và điều tuyệt vời là có khả năng ức chế khối u, thậm chí làm teo khối u ác tính. Khả năng bình ổn huyết áp của nó thì không loài cây cỏ nào sánh bằng. Lý do loại nấm này đắt chủ yếu là vì tác dụng trị ung thư.
Chuyện ông Lâm phát hiện ra loài nấm trong Vườn quốc gia Hoàng Liên cũng là bất ngờ. Những ngày lang thang kiếm thuốc tự chữa bệnh cho mình, ông đã ngỡ ngàng khi phát hiện ra nó.
Mặc dù trong những chuyến đi rừng, ông kể nhiều với tôi, nhưng ông vẫn nhất định không cho tôi xem củ nấm, cũng không nói rõ nó có ở khu rừng nào. Ông chỉ nói rằng, để có củ nấm này, phải mất thời gian cả ngàn năm. Với thời gian như thế, với giá trị như thế, nên giá trị của nó là… vô giá.
Thi thoảng, ông Lâm lại gọi điện cho tôi thông báo: “Tôi vừa lấy được quả nấm Phục linh thiên. Nếu cậu rỗi thì lên Lào Cai ăn cùng!”. Để được “làm vua, làm chúa”, tôi đã vài lần bắt tàu lên Lào Cai. Không biết bổ béo thế nào, thần dược ra sao, nhưng chi phí đi cũng mất bạc triệu.
Nói là lên Lào Cai ăn nấm Phục linh thiên, nhưng chỉ được ăn một miếng bằng… hạt ngô. Phần lớn quả nấm ông Lâm đã dùng để cứu người và cứu mình (bản thân ông Lâm bị ung thư phổi), nên chỉ khi còn thừa một mẩu mới dám hầm gà ăn. Thông thường, khi hầm nấm, ông Lâm phải chuẩn bị rất kỹ, mời đông đủ anh em, bạn bè, những người có nhiều gắn bó, kỷ niệm với ông.
Xưa kia, vua chúa Trung Quốc thường hầm món nấm Phục linh thiên với chim công già, mắt đỏ như đốm lửa. Gia vị khá đơn giản, chỉ có kỳ tử, ý dĩ. Chim công bên Trung Quốc nuôi nhiều để phục vụ người giàu làm thịt, nhưng ở Việt Nam thì lấy đâu ra. Để ăn món Phục linh thiên, để một ngày thành “chúa”, có lẽ phải vào… Công viên Thủ Lệ bắt trộm chim công!
Không có chim công thì thay bằng gà già. Nấu Phục linh thiên với gà già có lẽ không bổ bằng chim công, nhưng biết làm sao được. Đành phải thay chim công bằng con gà già ngâm cú đế, già đến nỗi không đẻ được nữa.
Gà già làm sạch, chặt miếng to, tẩm ướp gia vị rồi cho nấm vào. Một củ nấm to bằng bát mắm, tức là cỡ nắm tay, được bổ làm 10 miếng. Một con gà già, một bữa ăn, chỉ nấu với 1 miếng, tức một phần mười củ mà thôi.
Ông Lâm bảo, với người Trung Quốc, một miếng nấm ấy, nặng bằng cây vàng, như vậy, bữa ăn cũng đi đứt một cây vàng rồi. Ông chẳng giàu có gì, nhưng tính ông là vậy, đã quý ai thì chẳng tiếc gì. Ông nhìn tiền bạc như mây trôi. Đến củ sâm 800 tuổi đào được, thay vì bán đi kiếm bạc tỉỷ ông đem ngâm rượu đãi bạn bè!
Trước khi thả nấm vào nồi gà hầm, ông Lâm tính số người tham dự bữa ăn, rồi bổ miếng nấm nhỏ ra. 10 người ăn thì chia miếng nấm nhỏ bằng bao diêm thành 10 phần, mỗi phần cỡ… hạt ngô. Hầm gà vài tiếng, tinh chất từ nấm đã ra nước ít nhiều, nhưng khi vào bữa ăn, ông thường vớt cho mỗi vị khách một miếng nấm để ăn. Cầu kỳ, quý hiếm như thế, nên khi đưa miếng nấm vào miệng, tôi cố tưởng tượng mình đang làm… vua!
Củ nấm Phục linh thiên. |
Thật bất ngờ, khi mới đây, ông Trần Ngọc Lâm gọi điện cho tôi bảo rằng: “Cả Vườn Quốc gia Hoàng Liên chỉ còn đúng 2 quả nấm Phục linh thiên nữa. Tôi giấu kỹ từ nhiều năm nay rồi. Tôi đã hứa với cậu là sẽ cho cậu tận mắt quả nấm trong rừng và giờ thực hiện”.
Sau nhiều năm giữ loài nấm này như một bí mật lớn nhất trong đời, ông Trần Ngọc Lâm đã quyết định công bố. Ông đã công bố nhiều thứ như giảo cổ lam, để rồi loài này bị người ta lợi dụng kiếm lời quá nhiều trên người bệnh. Rồi cỏ nhung (còn gọi là kim tuyến, kim cương), sau khi bị lộ, đã gần như tuyệt chủng vì người Trung Quốc tìm sang mua. Rồi loài tiết trúc sâm, khó có thể tìm được một củ nào còn sót trong rừng Hoàng Liên.
Mới đây, ông công bố vườn chè khổng lồ cũng chỉ là để nói lên một tiếng, cho người dân cả nước biết về một kho báu quý hiếm mà thôi.
Nói như vậy để hiểu rằng, để công bố loài nấm quý giá này, “người rừng” Trần Ngọc Lâm đã phải suy nghĩ rất nhiều. Lý do ông công bố là vì chúng coi như đã tuyệt chủng ở đại ngàn Hoàng Liên Sơn! Ông nói ra, để chúng ta biết rằng, Hoàng Liên Sơn là một kho báu còn chứa nhiều thứ quý hiếm.
Tận mắt nấm quýTrước khi thực hiện chuyến vào đại ngàn Hoàng Liên Sơn cùng “người rừng”, thầy thuốc Trần Ngọc Lâm, để tận mắt loài nấm quý như vàng, tôi đã gặp một số nhà dược học và nghiên cứu sách vở, tìm hiểu về loài nấm Phục linh thiên.
Tuy nhiên, chẳng ai biết nấm Phục linh thiên là nấm gì, cũng không thấy tài liệu nào nhắc đến.
Theo ông Lâm, nấm Phục linh thiên là cái tên ông tự đặt ra. Vì ở Việt Nam chưa ai biết, thậm chí có đưa cho các nhà khoa học xem cũng không biết nó là loại nấm gì, vì chưa nhà khoa học nào được nhìn thấy. Loài nấm này vẫn chưa có tên, chưa xuất hiện trong các loại từ điển, sách thuốc của Việt Nam.
Nấm Phục linh mà các sách y dược cổ nói đến, được các nhà khoa học nghiên cứu mọc từ rễ một số cây họ thông, còn nấm Phục linh thiên mà ông Lâm tiết lộ lại mọc ở trên ngọn cây. Vì nó cùng loài, cùng họ với nấm Phục linh, nhưng lại mọc ở… trên trời, nên ông Lâm đặt thêm chữ “thiên”.
Nấm Phục linh chế thuốc hoặc thực phẩm chức năng bán ngoài thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc. Người Trung Quốc trồng loài nấm này thành các trang trại lớn, thu hái quanh năm chả khác gì nấm rơm, nấm mỡ. Họ chiết xuất, chế biến nấm Phục linh thành đủ các loại dược phẩm, thực phẩm chức năng và giá trị khá bình thường.
Tôi sững người trước một khu rừng quá đẹp, giống như trong những câu chuyện cổ tích phương Tây. Những thân cây vân sam khổng lồ hùng dũng, kiêu bạc giữa trời đất.
Thật không thể ngờ, trên độ cao này, lại có những thân cây vĩ đại như thế. Tán của nó trông như cái nón xanh khổng lồ, cao đến 40-50m, đường kính tán lên đến 30m. Khi mặt trời ngấp nghé dãy núi sườn Tây, bóng vân sam che phủ rợp bóng cả một sườn núi.
Từ gốc những cây vân sam rêu mốc, xù xì, tôi thấy rất nhiều cây nấm có màu đỏ lịm, hình dáng như vỏ con trai. Ông Lâm bảo đó là nấm linh chi, chính là loài nấm gây cơn sốt săn tìm suốt mấy năm qua ở Quảng Nam. Người dân ở Quảng Nam đã ráo riết vào rừng săn tìm loài nấm này sắc nước để uống, trị bệnh ung thư có hiệu quả.
Theo lời ông Lâm, loài nấm linh chi mọc trên cây vân sam này tốt không kém gì linh chi mọc trên cây lim. Nó cũng có tác dụng ức chế khối u, song không mạnh, nên ông Lâm ít khi để ý đến.
Nấm Phục linh thiên |
Cũng theo ông Trần Ngọc Lâm, loài cây họ thông này chỉ có rất ít ở Trung Quốc, Tây Tạng và vừa mới được phát hiện ở Hoàng Liên Sơn thời gian gần đây. Trong khi, ở độ cao khắc nghiệt này, các loài cây khác chỉ to bằng cái phích, thì cây vân sam toàn cỡ 2-3 người ôm mới xuể.
Ông Lâm đã có lần sang địa danh du lịch có tên Vân Long của Trung Quốc và thấy người Trung Quốc rất tự hào khi có cây vân sam 1.000 tuổi. Họ rào rất kỹ và không cho phép khách du lịch được lại gần. Tuy nhiên, vân sam 1.000 tuổi của Trung Quốc chỉ to hơn một người ôm, nhỏ bằng 1/3 những cây vân sam khổng lồ trên sườn Fansipan.
Có một điều lạ là ở cánh rừng này chỉ có những cây vân sam khổng lồ, không hề có cây nào nhỏ cỡ một người ôm. Điều đó có nghĩa cả trăm năm nay không có hiện tượng tái sinh của loài cây họ thông cực quý này nữa. Ông Lâm nghĩ rằng, do trúc mọc ken dày phía dưới, cây nhỏ không mọc lên được, nên ông đã từng bỏ nhiều năm phát trúc, xới đất, tạo ra những không gian thoáng mát.
Đến mùa vân sam rụng quả, ông đi nhặt quả gieo vào những khu đất trống, có ánh nắng và độ ẩm, song tuyệt nhiên không thấy quả nào nảy mầm. Như vậy, khi những thân vâm sam khổng lồ chết đi, loài này có thể sẽ tuyệt chủng ở Việt Nam.
Một điều đáng báo động là cứ vào dịp cận Tết, đồng bào Mông lại kéo nhau vào rừng chặt cành vâm sam vác ra Sapa bán cho nhà giàu chơi Tết. Vì lá chúng rất đẹp, tươi lâu, để 4-5 tháng không héo, nên người dân Lào Cai rất thích chơi trong dịp Tết. Mỗi cành vân sam bằng cổ tay có giá cả triệu bạc. Đồng bào Mông thường cưa một cành to, hoặc ngả đổ cả cây để tha hồ chặt cành.
Mấy năm trước, hiện tượng tàn phá cây vân sam để chơi Tết diễn ra rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, gần đây, lực lượng kiểm lâm quản lý nghiêm ngặt, nên hiện tượng đốn hạ vân sam giảm hẳn.
Thường xuyên sống cả tháng ở trong khu rừng vân sam này, nên “người rừng” Trần Ngọc Lâm nắm tường tận từng cây. Toàn bộ rừng Hoàng Liên Sơn chỉ có khoảng 500 cây. Những cây vân sam đều đã có tuổi cả ngàn năm. Ở độ cao 2.800 m, lạnh buốt quanh năm, những thân cây bám đá để lên, thì mỗi năm đường kính chỉ lớn không quá 1 mm. Do đó, cây nào có đường kính 1m, nghĩa là chúng đã có tuổi ngàn năm.
Cây vân sam |
Ông Lâm vắt sợi thừng vào thân cây, cứ thế trèo lên thoăn thoắt. Chỉ một lát, ông đã mất hút trong tán cây rậm rì, xanh thẫm. Ông tụt xuống với một củ nấm Phục linh thiên trên tay vẫn còn bám tuyết. Ông nâng niu như bảo vật bảo: “Có lẽ đây là củ nấm cuối cùng của đại ngàn Hoàng Liên Sơn và của đất nước Việt Nam”.
Theo lời ông Lâm, loài Phục linh thiên này chỉ xuất hiện ở những cây vân sam có tuổi trên dưới 1.000 năm. Khi côn trùng, sâu bọ đục khoét thân cây vân sam ngàn năm tuổi, thân cây sẽ sinh ra chất nhựa để bảo vệ vết thương (cơ chế giống như cây dó bầu tạo trầm hương, kỳ nam). Từ cục nhựa này, có thể mọc ra nấm Phục linh thiên. Tuy nhiên, có thể cả ngàn vết thương trên cả trăm cây vân sam mới sinh ra được một quả. Do đó, mỗi năm, từ hàng trăm cây vân sam ngàn tuổi, may ra cho được một vài quả nấm.
Vào mùa xuân, khi cái nắng bắt đầu ấm áp, những cơn mưa xuân gây ẩm ướt nhiều ngày, ông lại bỏ cả tháng trời đi kiếm Phục linh thiên. Mỗi lần đi kiếm nấm, ông phải trèo từng cây vân sam, quan sát từng vết thương, từng cục nhựa đen sì, xem có nhú lên củ nấm bé xíu bằng hạt gạo nào không. Nếu phát hiện, ông đánh dấu địa điểm tìm thấy rồi đợi đến mùa thu mới khai thác.
Mùa thu là mùa quả nấm có tác dụng tốt nhất. Tuy nhiên, mấy năm nay, có khi leo trèo cả tháng, lên hết 500 cây vân sam của đại ngàn Hoàng Liên mà cũng chẳng thấy dấu vết gì của Phục linh thiên. Vì hiếm như thế, nó được sánh ngang với vàng cũng là điều dễ hiểu.
Có một điều rất lạ, ông Lâm đã dùng dao đục hàng ngàn lỗ trên ngọn những cây vân sam khổng lồ này. Cây vân sam cũng sinh nhựa bảo vệ vết thương, nhưng tuyệt nhiên chưa từng cho một quả nấm nào mọc lên từ những vết thương nhân tạo ấy. Tất cả những củ nấm mà ông Lâm thu hái, đều xuất hiện ở những vết thương do một loại côn trùng nào đó tạo ra.
Ông Lâm đã có cả chục năm trời tìm kiếm loài nấm Phục linh thiên này. Ông thu hái được tổng cộng vài chục quả. Ông nghiên cứu từng vết thương của cây vân sam và theo dõi quả nấm lớn lên từ khi bé bằng hạt gạo, đến khi to bằng nắm tay. Song ông Lâm vẫn không thể hiểu nổi vì sao quả nấm lại mọc lên từ vết thương trên ngọn cây vân sam trong hoàn cảnh băng tuyết gần như quanh năm. Ông cũng không thể lý giải được do côn trùng cấy giống vào vết thương của cây vân sam hay tự thân cây sinh ra. Những bí ẩn này là sự kỳ diệu của tạo hóa.
Gói ghém cẩn thận “cục vàng” cuối cùng của đại ngàn Hoàng Liên Sơn vào ba lô, tôi và “người rừng” Trần Ngọc Lâm rời sườn Fansipan trong nỗi buồn khó tả. Không biết đến bao giờ, đại ngàn Hoàng Liên mới lại sinh ra một quả Phục linh thiên để cứu ông và những bệnh nhân ung thư đang chờ chết?